Nhận định Vụ bạo lực học đường tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5 năm 2022

Trả lời phỏng vấn báo VietnamPlus, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga thuộc đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng bạo lực học đường "không phải là vấn đề mới", nhưng vụ việc ở Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - Học viện Mỹ "khiến dư luận có vẻ hơi sững sờ vì diễn ra trong môi trường mà mọi người thường nghĩ rằng không xảy ra, đó là một trường quốc tế khá nổi tiếng". Theo đó, có nhiều nguyên nhân gây ra bạo lực học đường, trong số đó bao gồm tác động của đại dịch COVID-19; sự thiếu quan tâm, giáo dục của phụ huynh, thiếu kĩ năng sống của học sinh; tác động của mạng xã hội, các video, hình ảnh bạo lực trên mạng. Đại biểu này thừa nhận muốn kiểm soát vấn nạn này, cần "đẩy mạnh truyền thông, kiểm soát tốt hơn nữa các nội dung đăng tải trên mạng xã hội và đặc biệt là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục con em của mình", cũng như "rà soát và kiểm soát một cách chặt chẽ hơn" Luật An ninh mạng.[38] Đại biểu quốc hội Hà Ánh Phượng thuộc đoàn Phú Thọ bày tỏ sự lo ngại trước vấn nạn bạo lực học đường, đi kèm với đó là vấn nạn bắt nạt trên không gian mạng.[39] Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An nhận định bạo lực học đường gây "ảnh hưởng rất lớn đến trẻ cả thế chất lẫn tinh thần và hứng thú học tập của trẻ [...] Mục tiêu cuối cùng đạt được trong câu chuyện bạo lực học đường là giáo dục được nhân cách, cách hành xử, ứng xử của học sinh, chứ không phải là câu chuyện phủi bỏ trách nhiệm hay ai thắng ai thua. Cách ứng xử nhân văn của nhà trường và phụ huynh mới là cách giáo dục tốt nhất trong trường hợp này, để nó trở thành khuôn mẫu hành vi ứng xử cho học sinh noi theo trong những trường hợp sau".[40]

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng việc "coi bạo lực học đường chỉ là chuyện xích mích của trẻ con, người lớn không cần can thiệp" là không phù hợp, thay vào đó, "bạo lực học đường cần được giải quyết theo cách thức khoa học và nhân ái vì lợi ích của tất cả đứa trẻ liên quan" và cần có sự can thiệp bắt buộc của gia đình và nhà trường. Đánh giá về vấn nạn bạo lực trên mạng hình thành do hệ quả của vụ bắt nạt ở Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - Học viện Mỹ, vị này khẳng định: "Với tất cả vụ việc liên quan đến trẻ em, phát tán hình ảnh và thông tin cá nhân của các em trên môi trường mạng là việc làm sai trái, vô trách nhiệm".[41] Đồng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường John Robert Powers tại Việt Nam, mọi người cần có trách nhiệm và cẩn trọng khi đưa những hình ảnh của con em mình lên mạng xã hội khi "điều đó chẳng khác nào việc các nạn nhân bị bắt nạt thêm một lần nữa".[42] Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga cũng có ý kiến tương tự khi nhận định việc bảo vệ con trẻ bằng cách tấn công người khác trên mạng "dù bằng lời nói, thư tín, qua mạng hay tác động vật lý trực tiếp và dù lý do chính đáng thế nào [...] đều là bạo lực".[43] BBC Tiếng Việt dẫn lời bà Trần Thu Hà, cựu biên tập viên báo Hoa Học Trò cho biết việc cộng đồng mạng cổ xúy việc "chửi bới, thóa mạ người khác" của ca sĩ Thủy Bi trên mạng xã hội là "không đúng", "không văn minh". Nhận định về công văn chỉ đạo xử lý vụ việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà này cho biết nó không cần thiết, có tính chất "hùa vào" thay vì đơn giản hơn là giải quyết mọi chuyện theo cách ôn hòa.[44]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ bạo lực học đường tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5 năm 2022 https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61681430 https://vnexpress.net/phu-huynh-to-cao-con-bi-ban-... https://vnexpress.net/truong-quoc-te-nhan-co-phan-... https://web.archive.org/web/20220528102526/https:/... https://web.archive.org/web/20220528103705/https:/... https://web.archive.org/web/20220529120926/https:/... https://web.archive.org/web/20220529133735/https:/... https://web.archive.org/web/20220529150024/https:/... https://web.archive.org/web/20220529175148/https:/... https://web.archive.org/web/20220529205120/https:/...